Đại chiến quân Nguyễn, 1655 - 1672 Trịnh_Căn

Hoàn cảnh

Trịnh Căn lớn lên trong thời chiến tranh giữa các tập đoàn phong kiến Trịnh và Nguyễn đang ở cao trào. Thanh Đô vương Trịnh Tráng, ông nội của Trịnh Căn 4 lần mang quân vào nam đều không giành được thắng lợi, hao binh tổn tướng. Tháng 4 năm 1655, chúa Nguyễn cử hai danh tướng là Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Dật mang quân lần đầu tiên vượt sông Gianh đánh ra bắc, chiếm Bắc Bố Chính và 7 huyện Nghệ An. Đất căn bản Thanh Hoá của cả vua Lê lẫn chúa Trịnh bị uy hiếp dữ dội.

Trịnh Tráng phải cử cha Trịnh Căn là thế tử Trịnh Tạc vào làm Thống lĩnh, nhưng sau đó Trịnh Tạc lại được triệu về kinh, để lại các tướng ở lại trấn thủ[2][3].

Năm 1656, các tướng Trịnh lại bại trận chạy về An Trường. Trịnh Tráng bèn cử con út là Ninh quận Công Trịnh Toàn, chú của Trịnh Căn, mang quân vào cứu viện. Toàn đốc quân đánh nhau với quân Nguyễn, tuy ban đầu thắng được hai trận ở Hương Bộc, Đại Nại nhưng sau đó lại bị thua, một lần nữa lại phải co về giữ An Trường.

Lừa gạt Trịnh Toàn

Giữa lúc chiến trận ở Nghệ An đang ác liệt thì Trịnh Tráng bệnh nặng, Trịnh Tạc được phong làm Tây Đô vương thay cha cầm quyền điều hành. Ngờ Trịnh Toàn có ý tranh ngôi, Trịnh Tạc bèn cho Trịnh Căn làm Phú quận công, mang quân vào Nghệ An, vừa để tăng viện chống quân Nguyễn vừa để phòng ngừa Trịnh Toàn làm loạn. Theo lệnh cha, Trịnh Căn vào Nghệ An, đóng ở huyện Hưng Nguyên nghe ngóng tình hình. Lúc đó quân của Trịnh Toàn đóng đồn ở Quảng Khuyến, Trịnh Căn đóng đồn ở Bạt Trạc đều bắt quân đào hào đắp lũy, chia nhau phòng giữ nơi hiểm yếu. Toàn cảm thấy băn khoăn, bèn dẫn quân về An Trường. Trịnh Căn cũng đem quân về Phù Long để quan sát động tĩnh của Toàn[3].

Tháng 4 năm 1657 chúa Trịnh Tráng qua đời, Tây Đô vương Trịnh Tạc chính thức lên ngôi, sai người tới trách cứ Trịnh Toàn vì cha chết mà không về chịu tang, rồi triệu về kinh. Các tướng dưới quyền Trịnh Toàn lo sợ bị hỏi tội bèn chạy sang đầu hàng chúa Nguyễn. Trịnh Toàn thế cô, đến cửa doanh trại của Trịnh Căn xin cháu đoái thương. Trịnh Căn lấy lẽ thuận nghịch thuyết phục rồi ép chú về kinh[2][3]. Trịnh Toàn miễn cưỡng trở về kinh, bị Trịnh Tạc bắt giam, lấy cớ không chịu tang cha rồi tra hỏi tội và giết đi.

Cầm cự với địch mạnh

Tháng 6 năm 1657, Trịnh Căn chia quân sai Hoàng Thể Giao, Lê Thì Hiến và Trịnh Thế Công vượt sông Lam đánh tướng Nguyễn là Tống Hữu Đại ở huyện Thanh Chương. Do có người tiết lộ, Hữu Tiến biết trước phòng bị nên quân Trịnh bị thua rút về bờ bắc sông Lam. Sau đó Trịnh Căn điều quân đánh Đông Hôn nhưng cũng bị thua trận.

Trước thế địch mạnh, thắng trận liên tiếp, quân nhà đang nhụt nhuệ khí, Trịnh Căn chủ trương cầm cự, không đánh lớn để chờ thời cơ. Ông cũng biết thực lực của quân Nguyễn không đủ mạnh, quân ít chỉ lợi đánh nhanh thắng nhanh, đi đánh xa lâu ngày đã mệt nên cũng không đủ sức ồ ạt bắc tiến như trước. Tranh thủ thời gian ngưng chiến, ông ra sức củng cố tinh thần tướng sĩ vừa bị thua trận và chia rẽ sau chuyện Trịnh Toàn. Nhờ đó khi thế quân Trịnh dần dần được tăng lên rõ rệt. Trong quân ngũ, Trịnh Căn điều hành rất nghiêm. Biết tướng Nguyễn Đức Dương lén bán lương cho quân Nguyễn để kiếm lợi, Trịnh Căn bắt Dương xử tử ngay. Sau đó ông lại phát hiện tướng Hoàng Nghĩa Chấn vì ganh ghét Đào Quang Nhiêu nên không chịu đến tiếp ứng cho Nhiêu khiến trận đánh quân Nguyễn ở Bạch Đàng thất bại, ông bèn giết chết Chấn.

Việc hành xử của vị thống chế trẻ tuổi khiến tướng sĩ một lòng tin phục chấp hành mệnh lệnh. Tháng 6 năm 1658, tù trưởng Lang Công Chấn ở Quỳnh Lưu theo Nguyễn, mang quân đánh Trịnh, bị quân Trịnh đánh bại bắt được giải về Thăng Long. Tháng 7, quân Nguyễn vượt sông Lam thắng được Nguyễn Hữu Tá ở huyện Hưng Nguyên nhưng sau đó bị tướng Lê Thì Hiến đánh bại phải rút về. Tháng 12, quân Trịnh đánh thắng quân Nguyễn ở huyện Hương Sơn.

Những thắng lợi liên tiếp dù chỉ là những cánh quân nhỏ của địch nhưng nâng cao tinh thần cho quân Trịnh rất nhiều. Cùng lúc đó biến cố khác khiến Trịnh Căn thêm tin tưởng vào khả năng đánh bại quân Nguyễn.

Quân Nguyễn không đủ thực lực để tự mình bắc tiến nên Nguyễn Hữu Dật đã sai người ra bắc câu kết với các lực lượng phản Trịnh như Phạm Hữu LễSơn Tây, họ MạcCao Bằng, họ VũTuyên Quang. Tuy nhiên hai bên dùng dằng, ỷ lại vào nhau. Tây Định Vương Trịnh Tạc phát giác, dụ giết chết Phạm Hữu Lễ khiến các cánh Mạc, Vũ không dám cử động, quân Nguyễn cũng hết trông đợi nội ứng. Giữa lúc đó các tướng Nguyễn nảy sinh mâu thuẫn. Nguyễn Hữu Tiến và thuộc tướng ghét Hữu Dật vì Dật được chúa Nguyễn tin hơn. Trịnh Căn nhân đó bèn sai người mang vàng đến dụ nhưng không kết quả. Tuy nhiên ông nhận thấy thời cơ đánh thắng quân chủ lực của Nguyễn đã đến.

Thu hồi đất cũ

Sau thất bại ở Đông Hôn lần thứ hai tháng 8 năm 1660, Trịnh Căn viết thư về kinh xin thêm viện binh. Chúa Trịnh phát thêm 1 vạn quân và 3 tướng ra mặt trận. Có thêm lực lượng, ông chia quân ra bày trận nhiều nơi khiến quân Nguyễn không biết phải phòng bị chỗ nào.

Trịnh Căn bàn với các tướng về việc phản công quân Nguyễn. Trần Công Bách đề xuất việc đánh chiếm cứ điểm quan trọng là Lận Sơn[4]. Trịnh Căn rất tâm đắc việc đó.

Tháng 9 năm 1660, Trịnh Căn chia quân đánh Lận Sơn, sai Hoàng Nghĩa GiaoLê Thì Hiến đang đêm vượt sông Lam. Cánh quân của Giao đến Lận Sơn bị Nguyễn Hữu Dật vây ngặt, 4 tướng Trịnh bị tử trận. Trịnh Căn đang thị chiến trên núi Dũng Quyết, thấy Giao bị vây bèn điều quân đến cứu, lại sai các đội quân thủy tiến qua sông trợ chiến, nhằm quân Nguyễn bắn dữ dội. Nguyễn Hữu Dật không cự nổi, thua chạy rút về Khu Độc. Cánh quân của Thì Hiến và Mẫn Văn Liên đụng Nguyễn Hữu Tiến ở Tả Ao, tuy tướng Mẫn Văn Liên tử trận nhưng quân Trịnh phá được lũy, đốt cháy doanh trại Hữu Tiến. Tiến thua to phải rút về Nghi Xuân.

Thế là hai cánh quân Nguyễn do hai danh tướng khét tiếng bách chiến bách thắng từng làm khiếp đảm quân Trịnh đều đã bị đánh bại. Tinh thần quân Trịnh vô cùng phấn chấn. Những cái tên Hữu Dật, Hữu Tiến không còn là nỗi ám ảnh cho quân Trịnh nữa.

Chúa Trịnh nghe tin thắng trận lại tăng viện cho Trịnh Căn. Ngày 17 tháng 11 năm 1660, biết bên Nguyễn các tướng bất hoà, quân (mới hàng ở Nghệ An) lại bỏ trốn, Trịnh Căn sai Lê Thì HiếnLê Sĩ Triệt đánh huyện Nghi Xuân, Hoàng Nghĩa GiaoNguyễn Năng Thiệu đánh huyện Thiên Lộc. Quân Trịnh liên tiếp phá tan quân Nguyễn trong 3 ngày 17, 18 và 19. Quân Nguyễn tan vỡ thua chạy. Quân Trịnh lấy lại 7 huyện ở Nghệ An.

Nguyễn Hữu Tiến thua trận buộc phải rút quân, nhưng vì ghét Nguyễn Hữu Dật nên giả cách hạ lệnh đánh An Trường và bí mật rút về Nam Bố Chính không báo cho Hữu Dật biết. Trịnh Căn đang đà thắng, điều quân sang sông đánh Khu Độc. Hữu Dật biết tin Hữu Tiến rút, bèn nghi binh khiến quân Trịnh không dám đuổi gắt. Quân Trịnh lấy lại Bắc Bố Chính, sau đó lui 20 dặm đóng ở Kì Hoa[3]. Thế là toàn bộ đất đai bị mất năm 1655 được thu về. Trịnh Căn để Đào Quang Nhiêu kiêm trấn thủ Nghệ An và Bắc Bố Chính.

Trịnh Tạc nghe tin Trịnh Căn thắng trận, bèn sai Thượng thư bộ Lễ Phạm Công Trứ mang kim sách đến phong cho ông là Khâm sai tiết chế các dinh quân thủy quân bộ, kiêm giữ chính quyền, chức thái úy tước Nghi quận công, được mở phủ Lý quốc và ban cho ấn bạc[2][3].

Hai lần nam tiến

Tháng 2 ÂL năm 1661, Trịnh Căn ca khải hoàn về Thăng Long, để Đào Quang Nhiêu ở lại làm trấn thủ Nghệ An kiêm giữ công việc châu Bắc Bố Chính, Lê Sĩ Triệt, Hồ Sĩ DươngTrịnh Tế làm đốc thị, quản lĩnh các tướng đóng ở Hà Trung.

Tháng 10 năm 1661, Trịnh Tạc mang vua Lê Thần Tông cử đại binh vào nam. Trịnh Căn được cử làm thống lĩnh cùng các tướng Hoàng Thể Giao, Đào Quang Nhiêu, Lê Thì Hiến vượt sông Gianh. Nguyễn Hữu Dật trấn thủ Nam Bố Chính chia quân đắp lũy thủ thế, giết tướng Trịnh là Hoan Trung. Quân Trịnh đánh mấy tháng không hạ được. Tháng 3 năm 1662, quân viễn chinh mệt mỏi, lương hết, Trương Văn Vân bèn nhân đêm tối lẻn ra khe Động Giản, bắn giết hơn trăm người. Trịnh Căn bỏ doanh lũy chạy. Trịnh Tạc kinh hoàng bèn rút quân về bắc[2][3].

Năm 1672, Trịnh Căn lại cầm quân nam tiến. Ông được cha sai lĩnh thủy binh, Lê Thì Hiến lĩnh bộ binh. Quân Trịnh hăng hái đánh lũy Trấn Ninh mấy lần suýt hạ được nhưng Hữu Dật cố sức chống đỡ. Quân Trịnh đánh mãi không thắng phải rút về Bắc Bố Chính, gặp lúc Trịnh Căn lại bị ốm, Trịnh Tạc lúc đó tuổi đã cao, thấy con là chỗ dựa lớn nhất không thể cầm quân bèn rút đại quân về kinh, cử Lê Thì Hiến, Lê Sĩ Triệt ở lại trấn thủ. Giao tranh Trịnh Nguyễn từ đó cũng ngừng hẳn.